Máy thở giá rẻ của MIT mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân Covid-19

TIN CÔNG NGHỆ
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một nhóm nghiên cứu tại MIT đã phát triển thành công máy thở trị giá khoảng 100 USD, rẻ hơn rất nhiều so với chi phí của những loại hiện nay.

May tho gia re cua MIT mo ra hy vong moi cho benh nhan Covid-19 hinh anh 2 2020_03_26_image_14.jpg

SciTechDaily đưa tin, một nhóm nghiên cứu tại MIT đã phát triển thành công loại máy thở trị giá 100 USD. Đây là con số rẻ hơn rất nhiều so với chi phí trung bình khoảng 30.000 USD của hầu hết loại máy thở được sản xuất hiện nay.

Theo bài báo khoa học chi tiết về thiết bị này, chiếc máy hoạt động chủ yếu dựa vào một bóng Ambu. Đây là một quả bóng thở bóp tay có thể được tìm thấy dễ dàng tại các bệnh viện để giúp cấp cứu bệnh nhân ngay ở hiện trường mà không cần máy thở.

Thực tế, phát minh này là cỗ máy mà các sinh viên MIT đã thiết kế từ 10 năm trước như một bài tập thực hành. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu hụt máy thở trầm trọng giữa đại dịch COVID-19, thiết bị này đã đến lúc được sử dụng.

Theo SciTechDaily, một nhóm nghiên cứu của MIT có tên E-Vent gồm các bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học máy tính đã được thành lập để làm sống lại dự án này.

Thông thường, với phương pháp bóp bóng Ambu bằng tay, nhân viên y tế sẽ phải liên tục trực bên cạnh nạn nhân và cần thực hiện đúng kỹ thuật mỗi lần. Trong khi đó, thiết kế của máy bóp bóng Ambu bằng cơ khí có thể chạy liên tục trong nhiều ngày và bắt chước được kỹ thuật của các bác sĩ cấp cứu.

E-Vent đã chia sẻ miễn phí toàn bộ các tài liệu, bản thiết kế được sử dụng để tạo ra chiếc máy thở giá rẻ này với mục đích góp phần mở rộng quy mô sản xuất thiết bị trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh đây không phải loại thiết bị bất kỳ ai cũng chế tạo được và cần có những bác sĩ chuyên môn hỗ trợ mở rộng sản xuất.

Thiết kế của máy bóp bóng Ambu bằng cơ khí có thể chạy liên tục trong nhiều ngày và bắt chước được kỹ thuật của các bác sĩ cấp cứu. Ảnh: MIT.

“Sự an toàn cho bệnh nhân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Do đó, chúng tôi đã thiết lập những yêu cầu tối thiểu cũng như thiết bị phải được sản xuất theo yêu cầu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)”, một thành viên trong nhóm cho biết.

Đội ngũ E-Vent cũng nhấn mạnh thêm vì bản chất kỹ thuật của máy, thiết bị phải có khả năng điều chỉnh không khí và áp suất cho bệnh nhân để phù hợp với nhu cầu từng người. Thêm vào đó, chiếc máy phải có khả năng hoạt động liên tục vì bất kỳ sự cố nào cũng có thể gây chết người.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang chờ đợi nhận được phản hồi từ FDA để áp dụng loại máy thở này trên quy mô lớn. SciTechDaily cũng cho biết thêm, ngoài E-Vent, nhiều nhóm khác cũng đang tích cực nghiên cứu trên các dự án thiết kế tương tự để thúc đẩy tốc độ sản xuất máy thở.

(Zing News)