Từ chuyện Vingroup và BKAV sản xuất máy thở: Người Việt mua hàng Việt là tự "giảm đau" cho chính mình.

TIN CÔNG NGHỆ
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 Nếu không có dịch bệnh, tạm để lòng tự hào "Made in Vietnam" sang một bên và so sánh điện thoại Vsmart với điện thoại Trung Quốc sẽ là hoàn toàn sòng phẳng. Nhưng khi đất nước đang chung tay chống dịch, Vingroup đóng góp lại điều gì cho người Việt mới thực sự đáng nói.

 Nếu không có dịch bệnh, tạm để lòng tự hào "Made in Vietnam" sang một bên và so sánh điện thoại Vsmart với điện thoại Trung Quốc sẽ là hoàn toàn sòng phẳng. Nhưng khi đất nước đang chung tay chống dịch, Vingroup đóng góp lại điều gì cho người Việt mới thực sự đáng nói.

Có thể nói rằng, trong cộng đồng công nghệ Việt Nam, "niềm tự hào" về những sản phẩm "Made in Vietnam" đã luôn là một khái niệm gây tranh cãi.

Ở một bên là những người thực sự mang tình yêu với sản phẩm Việt. Họ công nhận rằng những chiếc smartphone hay Android TV do người Việt làm ra thực sự đáng tự hào và đáng ủng hộ. Với họ, cho dù nền công nghiệp hi-tech của chúng ta đi sau các nước khác nhiều năm, ngay cả sự tồn tại của smartphone Việt hay TV Việt cũng đã là cả một thành tựu. Họ sẵn sàng chấp nhận những trải nghiệm dưới tầm, để công nghệ Việt có thể tiến xa hơn nữa.

Phía còn lại là những người không ủng hộ. Dù ở mức độ nào, điểm chung của những người này là thường xuyên đem sản phẩm Việt ra so sánh với sản phẩm ngoại và chê bai. Lý lẽ thường được đem ra so sánh đó là các sản phẩm Việt có giá đắt, vẫn còn tồn tại nhiều lỗi và thường bị gắn với "tinh thần yêu nước".

Mỗi bên, ai cũng đều có cái lý rất hợp lý của riêng mình. Và kẻ phân định cho kết quả của cuộc tranh cãi nảy lửa này, trớ trêu thay, lại là một thảm họa y tế.

Hãy cùng nhìn lại những diễn tiến gần đây trong mùa dịch. Ngày 11/4, BKAV chính thức xác nhận việc tập đoàn này sẽ tham gia sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân Covid-19. CEO Nguyễn Tử Quảng, khẳng định: "Dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, không ai có thể đứng yên… Hơn 9000 công nhân và 04 nhà máy trong hệ thống của chúng tôi đã sẵn sàng". Cũng theo công bố của ông, BKAV sẽ sản xuất máy thở xâm nhập PB560 do tập đoàn Medtronic (Mỹ) thiết kế, được công bố mở cách đây vài tuần.

Trước đó, tập đoàn Vingroup cũng tuyên bố tập trung toàn bộ nguồn lực nghiên cứu tại 2 công ty con Vinfast và Vinsmart vào việc sản xuất máy thở xâm nhập PB560 và máy thở không xâm nhập do ĐH MIT (Mỹ) thiết kế. Vingroup sẽ tặng Bộ Y Tế 5000 máy thở không xâm nhập, và cũng cam kết sẽ cung cấp cả 2 loại máy thở ở mức giá tương đương giá linh kiện.

Không chỉ có vậy, từ cuối tháng 3, Vingroup cũng tài trợ gói trang thiết bị y tế và máy móc, hóa chất trị giá 100 tỷ đồng cho công tác chống dịch. Qua nhiều kênh, nhiều phương thức khác nhau, số tiền mà tập đoàn này trợ giúp cho người Việt, các tổ chức y tế và các doanh nghiệp Việt đến nay đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Khoản đóng góp từ các doanh nghiệp công nghệ khác cũng rất đáng ghi nhận. Bên cạnh các đóng góp tiền bạc, FPT đã tài trợ một khu ký túc xá để cách ly người từ nước ngoài trở về, Viettel miễn phí viễn thông cho lực lượng tuyến đầu chống dịch....

Nói riêng về Vingroup và BKAV, 2 tập đoàn này đang đóng góp một thứ vô cùng quan trọng trong mùa dịch: năng lực sản xuất. Để hiểu được tầm quan trọng của các nhà máy công nghệ cao trong thời điểm này, hãy nhớ rằng Covid-19 đang đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào khủng hoảng. Cả Anh và Mỹ đều đã phải kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất xe hơi hay thiết bị gia dụng tham gia vào sản xuất thiết bị y tế. Tại Mỹ, thương hiệu máy thở Siare thậm chí còn phải thẳng thừng thừa nhận rằng, họ bắt tay với 2 hãng xe Fiat Chrysler và Ferrari một phần là để tiếp cận các linh kiện khó tìm trong lúc chuỗi cung ứng đang khủng hoảng.

Khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó, các doanh nghiệp ngoại hiển nhiên sẽ ưu tiên cho nền y tế tại nước họ, gây thêm phần khó khăn cho những nền y tế không thể tự sản xuất máy thở hay máy đo thân nhiệt, vốn là những "vũ khí" để chống dịch. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vì thế lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong cuộc chiến bảo vệ sinh mạng và sức khỏe cho người Việt Nam. Như ông Nguyễn Tử Quảng đã khẳng định: "Giả sử dịch bệnh COVID-19 có bùng phát, thì cùng với các nhà sản xuất nội địa khác tôi tin tưởng Việt Nam sẽ không lo thiếu máy thở".

Những người từng ủng hộ cho Bphone, Vsmart và Vinfast vì thế đã gián tiếp đầu tư nguồn lực để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chống dịch. Những mặt hàng thiết yếu nhất, giờ sẽ được ưu tiên cho người Việt trước tiên.

Và khi Việt Nam đã vượt qua dịch bệnh, chúng ta có quyền hy vọng nâng cao vị thế của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ:

"Vingroup có một lợi thế là có 2 Công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiết khó, hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất".

Lợi ích của tinh thần "Made in Vietnam" đang bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta cứ chê bai vùi dập nền công nghiệp hi-tech Việt Nam, chúng ta lấy đâu ra năng lực sản xuất thứ vũ khí sống còn trong cuộc chiến chống lại thứ "giặc" dịch bệnh này?

Thay vì ngoảnh mặt, ủng hộ các doanh nghiệp Việt trong lúc này là cách tốt nhất để chúng ta tự "giảm đau" cho chính mình không chỉ trong mùa dịch Covid-19, mà còn cho cả tương lai.

(Theo Tri thức trẻ)